CHÚ GIẢI TIN MỪNG
CHÚA NHẬT TUẦN XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B
TIN MỪNG: Mc 9,38-43.45.47-48
Noel Quesson - Chú Giải
Trên con đường đi Xêdarê - Phi-líp-phê, nơi Phêrô đã tuyên xưng đức tin, xuyên qua xứ Galilê chỗ Ngồi đã rao giảng Tin Mừng, cho đến Giêrusalem, tới nơi đó Người sẽ chết và Phục sinh, Đức Giêsu không đi một mình. Con đường của "Con Người" cũng là con đường của các môn đệ. Chính, chúng ta cũng đi trên con đường đó theo chân Đức Kitô:
- Tuyên xưng đức tin của phép rửa tội, bằng cách sống Tin Mừng cho đến cuộc vượt qua riêng của chúng ta... đó là sự chết và Phục sinh của mỗi người. Trong trình thuật này, Mác-cô góp nhặt những lời giáo huấn của Đức Giêsu đã giảng dạy trong nhiều dịp khác nhau và bàn về nhiều vấn đề khác nhau. Phần lớn những lời giảng dạy của Đức Giêsu xoay quanh một chủ đề duy nhất: Đó là những đòi hỏi phải có khi chúng ta Tin " nơi Người. Tin nơi Đức Giêsu, đó là đi theo Người đến những nơi mà Người đã đi qua. Cuộc sống thực tế của các môn đệ, luân lý Kitô giáo không phải là một "luật lệ" được phép hay bị cấm đoán, mà là một sự tham dự vào cách sống của Đức Giêsu".
Ông Gioan nói với Đức Giêsu: "Thưa Thầy: Chúng con thấy có người lấy danh nghĩa Thầy mà trừ quỷ”.
Chính Gioan đã tự nhận là Người môn đệ được Đức Giêsu thương yêu (Ga 21,20). Trong số 12 môn đệ, ông có vẻ hiểu Đức Giêsu nhiều nhất, và là người thân cận nhất của Đức Giêsu.
Trên đường đi, đây là một sự kiện sống động, một “biến cố" nhỏ gây ra một phản ứng. Trong cuộc sống hằng ngày, đức tin đích thực phải được sống động qua những tình tiết ngẫu nhiên. Hôm đó, đã có gì xảy ra trên đường đi của các Ngài?
Gioan đã thấy một "người trừ quỷ" mà không thuộc nhóm của các ông. Tin Mừng ghi lại việc các môn đệ của Chúa đã thử trừ quỷ vài hôm trước, khi vắng Đức Giêsu (Mc 9,18).
Nhưng các ông đã thất bại. Và vì tiếng tăm của Đức Giêsu đã lan rộng, nên người ta cũng dễ hiểu tại sao một người trừ quỷ lạ mặt đến lượt mình cũng có thể tập trừ quỷ. Qua văn chương cổ, chúng ta cũng biết rằng, người Do Thái và ngoại đạo đã trừ quỷ cũng như những nhà phù thủy ngày nay, nhờ pháp thuật rất phổ biến vào thời Đức Giêsu (Cv 8,18).
Dĩ nhiên, ngày nay, câu hỏi của Gioan về việc trừ quỷ sẽ được đặt ra một cách khác, những câu hỏi này vẫn mang tính thời sự, dù bên ngoài có vẻ trái ngược. Ngày nay, cũng như vào thời Đức Giêsu và Gioan vẫn có "những người trừ quỷ”. Những con quỷ thời nay như chúng ta biết rõ, chúng rất đông.
Thí dụ, việc đánh mất ý thức luân lý, khinh thường sự sống, khai thác những người yếu kém và nhỏ bé không tự vệ được nhưng cách đối xử phân biệt chủng tộc, sự phân chia của cải không đồng đều, những đồng lương chết đói, mất cảm thức đích thực về Thiên Chúa, tôn thờ các thần tượng. Đứng trước những "con quỷ" này, chúng ta cũng biết như Giao thời ấy, dù trẻ, già, lớn, bé... tất cả đều phải "khử trừ" sự dữ này và cố tiêu diệt nó, bằng cách làm việc theo nghề nghiệp của mình, bằng các tự nguyện dấn thân vào một phong trào.
Chúng con thấy có người lấy danh nghĩa Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.
Những người đó không phải là Kitô hữu. Họ không thuộc nhóm chúng ta, phe phái của ta. Hãy cho xem giấy tờ? Bạn không phải là người Việt, không phải Công giáo, không phải là người sống đạo... hay bạn không thuộc nghiệp đoàn của tôi, tông phái của tôi, bạn là phe tả phe hữu, bạn là người bảo thủ, cấp tiến... Vậy thì tôi không nghe bạn nói. Nếu có thể, tôi sẽ làm bạn phải im tiếng, tôi sẽ ngăn cản không cho bạn hành động.
Quả thực, óc biệt phái vẫn chưa chết. Thái độ chia rẽ vẫn tồn tại trong Giáo Hội, cũng như đã có trong đầu óc các tông đồ. Thời đó, Nhóm Mười Hai cứ mải mê ghen tương tranh cãi nhau cách nhỏ nhen về ngôi thứ địa vị.
Đức Giêsu vừa loan báo về sự thương khó của Người. Người
sẽ trở nên "kẻ” sau rốt, làm đầy tớ mọi người". Người vừa khuyên các môn đệ phải sẵn sàng phục vụ và đừng tìm kiếm chỗ nhất. Thế mà Gioan, một môn đệ được coi là thân cận nhất, bây giờ lại tỏ vẻ phản ứng. Phản ứng của ông là phản ứng muốn thống trị, muốn quyền lực, muốn nắm độc quyền. ông muốn giữ cho riêng minh "Quyền lực của Đức Kitô". Chúng ta không nên xét đoán các tông đồ, cũng đừng xét đoán ai cả. Chúng ta hãy nhìn vào chính bản thân mình.
Trình thuật ngắn gọn này, bề ngoài tầm thường, nhưng nội dung đề cập đến một trong những vấn đề nóng bỏng thời sự nhất: Hồng ân cứu rỗi của Đức Kitô chỉ có hiệu lực bên trong những biên giới "Thấy được" của Giáo Hội hay sao?
Trước câu hỏi mang tính thời sự đó, câu trả lời của Đức Giêsu sẽ ra sao?
Đức Giêsu bảo: "Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta".
Thưa không! Nhóm Mười Hai không phải là nhóm duy nhất nhận lãnh Thần Khí của Thiên Chúa:
“Bên ngoài phòng hội của các bạn, Thần khí thổi qua, bất ngờ và tự do như gió" (Ga 3,8).
Từ thời Môsê, tinh thần ngôn sứ đã được phổ biến rộng rãi, và người ta không thể ngăn cản sự tỏ hiện nay, kể cả bên ngoài "nhóm" (Ds 11,25-29). Và cả bên ngoài những kẻ "đang ở trong lều”. Và Môsê đã ước mong ân huệ của thần khí cần được ban cho tất cả. Ong đã nói: "ôi ước gì Thiên Chúa có thể đặt Thần Khí của Người trên họ, để làm cho toàn thể dân Người trở thành một dân tộc ngôn sứ. Xin Chúa cho những "người của “Thần Khí” xuất hiện trên mặt đất chúng con".
Không! Người ta không thể xiềng xích Thần Khí được. Thần Khí là tự do. Thần Khí không bị ràng buộc bởi một nghi lễ nào cả. Thần Khí hành động ở bên ngoài những cấu trúc của chúng ta. “Người linh ứng cho cả những ngôn sứ ở bên ngoài" nhóm, bên ngoài Giáo Hội. Câu nói của Đức Giêsu "các con đừng ngăn cản người ấy" đã nói rõ ràng phẩm chất Giáo Hội mà sứ vụ là bảo đảm Đức tin chân chính, phải tôn trọng sự bộc phát của Thánh Thần nơi mỗi người được rửa tội, và cả nơi mỗi người không nằm trong những cơ cấu hữu hình của Giáo Hội.
Chúng ta thán phục quan điểm quảng đại của Đức Giêsu, đối nghịch với óc bè phái và bất khoan dung. Thần Khí nào đang ngự trị trong chúng ta? Có phải Thần Khí của Đức Giêsu không?
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một Thần Khí cao cả quảng đại, thông sáng, bao la như Thần Khí của Thiên Chúa, rộng mở như Thần Khí của Chúa... Thần Khí đó thổi từ bên này qua bên kia thế giới, làm vỡ đổ tinh thần cục bộ của chúng con. Xin Chúa hãy làm chúng con trở nên Công giáo đích thực, nghĩa là "những con người phổ quát", "nhưng con Người biết thông cảm những khác biệt" như Công đồng Vaticanô II đã nhắc nhở chúng con: "Chúng ta cần cổ vũ ngay trong lòng Giáo Hội sự trìu mến, tôn trọng và hãy hòa thuận với nhau, bẵng sự chấp nhận mọi dị biệt chính đáng... Chúng ta cởi mở với những người anh em tuy chưa sống hiệp thông trọn vẹn với chúng ta... chúng ta mở rộng tới những ai đang bảo tồn các yếu tố tôn giáo và nhân bản quý giá trong truyền thống riêng của họ" (GS 9,2).
Các bạn có nhớ không? Đây là sứ điệp đầu tiên của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vào ngày Ngài được tấn phong Giáo Hoàng. "Các bạn đừng sợ! Hãy mở rộng biên giới của các bạn". Phải chăng chúng ta tự nhiên dễ lên án những ai không thuộc phe chúng ta, những ai không suy nghĩ như chúng ta? Chúng ta có thưởng thức được phần chân lý mà đối thủ chúng ta nắm giữ, những điều tốt mà họ làm được, những thành công nhân bản và xã hội mà họ đã thực hiện không?
Đừng dập tắt ngọn lửa đang cháy, nó phải thiêu đốt thế gian (Lc 12,49).
Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.
'Một chén nước", không có gì đáng kể. Đó là biểu tượng cho một việc phục vụ nhỏ nhất mà không có thể giúp người khác: Chỉ có một chén nước. Đó là “phàm tước" lạ thường của người môn đệ: "Người ấy thuộc về Đức Kitô". Người tín hữu bé nhỏ nhất cũng đại diện cho Đức Kitô. Người đồng hóa mình với người Kitô hữu nhỏ bé nhất.
Thánh Mát-Thêu sẽ lấy lại đề tài này trong diễn từ nói về ngày thẩm phán (Mt 25,31-45). "Những gì các ngươi đã làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy". Đó là sự lớn lao của mỗi hành vi nhỏ bé của ta, không có gì là nhỏ bé cả. Tôi đã bỏ biết bao cơ hội?
Ai làm cớ cho một trọng những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ mà quăng xuống biển còn hơn.
Sau những lời khuyên luận lý tích cực ("cho một chén nước"), giờ đây là sự cảnh giác tiêu cực ("không được làm cớ cho kẻ khác sa ngã"). Nhưng thực ra, đây chỉ là một cách đối xử căn bản: Quan tâm đến kẻ khác.
Ở đây chúng ta khám phá ra một khía cạnh mới của Đức Giêsu: Ngoài tinh thần rộng mở, chúng ta cũng gặp được một sức mạnh bên trong, và khả năng sử dụng mãnh lực đó của Chúa. Thực vậy, sự khoan dung của Đức Giêsu không phải là sự lãnh đạm đối với điều ác. Nếu người khuyên chúng ta phải khoan dung đối với điều thiện được thực hiện bên ngoài nhóm của chúng ta, Người cũng lấy làm bất bình khi thấy người ta có thể lôi kéo một người khác vào sự ác.
Nếu tay anh làm cớ cho anh sạ ngã, thì chặt nó đi còn hơn. Thà cụt tay mà được vào cõi trường sinh, còn hơn là có đủ cả hai tay mà phải sa hỏa ngục, phải vào lửa không hề tắt".
Chỉ mình Đức Giêsu mới có quyền nói những lời phi thường này. Chỉ mình Người mới thực sự biết tội lỗi là gì. Vấn đề này thật là nghiêm trọng và bi thảm đối với Người. Cuộc sống đời đời đáng cho chúng ta dành mọi hy sinh. Chúng ta có thể chọn lựa, dứt khoát và tuyệt đối như thê không? Dù là những kiểu nói vùng Sê-mít có vẻ quá mạnh, nhưng chúng ta cũng không nên làm nhẹ bớt đi ý nghĩa của những câu đó.
GIÁO PHẬN NHA TRANG - CHÚ GIẢI
"Ai không chống đối các con là ủng hộ các con,
Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay bỏ đi."
BÀI TIN MỪNG: Mc 9,37-42,44,46-47.
1. Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp nối Tin Mừng Chúa nhật trước thuật lại việc Chúa Giêsu giáo huấn các Tông đồ. Trong bài này kể lại câu chuyện sau khi khiển trách Gioan về tội ganh tị. Chúa Giêsu hứa ban phần thưởng cho những ai tiếp đón các Tông đồ, đồng thời Người dậy không được làm gương xấu và cần phải tránh các dịp tội.
2. SUY NIỆM
1/ "Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng":
Nhân câu chuyện Chúa Giêsu đang giảng dạy về việc đón nhận một trẻ nhỏ nhân danh Thầy (9,35-36), Gioan sực nhớ tới có kẻ đã nhân danh Thầy mà trừ quỷ, nên thưa với Chúa rằng:
2/ "Chúng con thấy có nhiều kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta và chúng con đã ngăn cấm y":
Trừ quỷ là một việc quen thuộc mà Chúa Giêsu và các tông đồ cũng thường làm như nhiều người Do thái khác (Mt 12,27; Lc 11, 19). Nhưng có nhiều người lấy Danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ, Gioan thấy những người không cùng nhóm tông đồ với mình mà trừ quỷ như vậy là lạm quyền nên ông đã ngăn cấm họ.
3/ " Nhưng Chúa Giêsu phán: đừng ngăn cấm "
Thấy thái độ ngăn cấm của Gioan như vậy biểu lộ một tâm trạng hẹp hòi, muốn độc chiếm niềm tin vào Chúa Giêsu, và độc chiếm quyền năng của Người, nên Chúa Giêsu đã ngăn cản sự cấm đoán của Gioan.
"Chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ rồi liền đó lại nói xấu Thầy":
Chúa Giêsu đưa lý do để giải thích tại sao không được ngăn cấm như vậy:
Kẻ trừ quỷ không thuộc nhóm các tông đồ, nhưng việc họ cậy dựa vào danh của Chúa Giêsu đã chứng tỏ họ có niềm tin nào đó rồi.
Và như vậy, kẻ trừ quỷ không nhất thiết phải thuộc về nhóm các tông đồ mới thực sự nhờ cậy được Danh Chúa Giêsu và mới hành động được nhờ quyền lực của Người.
* Ở đây Chúa muốn nói rằng có nhiều cách thế để liên kết với Chúa Giêsu và với cộng đoàn các tông đồ và bao lâu người ta không tách rời cách cố ý (nói xấu) thì mối liên kết vẫn còn tồn tại.
* "Ai chẳng chống đối các con là ủng hộ các con": những ai lấy danh nghĩa Chúa Giêsu và trừ quỷ tức là làm một việc giống như các tông đồ đã làm và như vậy họ là những người ủng hộ các tông đồ. Ở đây Chúa Giêsu lấy ví dụ cụ thể này để chứng minh cho hành động tốt của những người mà Gioan vì ganh tị đã ngăn cấm, đồng thời để khiển trách những ai có tinh thần hẹp hòi bè phái: phe của mình mới ủng hộ, còn phe người khác thì chống đối.
4/ "Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Đức Kitô... thì kẻ đó không mất phần thưởng đâu".
Sửa sai Gioan song, Chúa Giêsu tiếp tục giáo huấn. Người nghĩ đến các tông đồ và hứa ban phần thưởng cho những ai vui lòng đón nhận các tông đồ.
Sở dĩ ly nước cho các tông đồ có giá trị lớn lao như thế là vì Chúa Giêsu đã tự đồng hoá mình với các tông đồ như Người đã đồng hoá với kẻ bé mọn nhất trong anh em Người (Mt 25,35-45).
Ở đây Chúa muốn nói rằng những ai giúp đỡ cho các phần tử trong Giáo Hội của Người thì cũng như giúp đỡ chính Người vậy. Dầu chỉ một ly nước, ý nói một việc nhỏ nhọn tầm thường, thì cũng đáng được thưởng công trên trời rồi. Chúa đòi hỏi những ai giúp đỡ phải có tinh thần cao thượng, vì lẽ siêu nhiên, không vụ lợi.
5/ "Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy"
Thiên chức của người tông đồ cao quý như vậy nên Chúa Giêsu dạy các tông đồ không được làm gương xấu cho những kẻ bé mọn:
+ Những "Kẻ bé mọn": Chúa muốn ám chỉ những người hèn kém, khờ dại, dốt nát, không được học hỏi những vấn đề của luật pháp: hạng người này, trong Do thái giáo có khuynh hướng khinh bỉ họ. Những kẻ bé mọn có lòng tin này là những người thuộc giai cấp bình dân có thiện chí muốn học hỏi Kinh Thánh, luật pháp, thường được các thầy thông luật giải thích Kinh Thánh, luật pháp, nhưng lại bị giải thích sai lạc vì những gương xấu.
+ Vì thế việc cảnh giác đề phòng làm gương xấu cho những " Kẻ bé mọn " này, Chúa Giêsu muốn nhắm tới các thủ lãnh tôn giáo mà Người đã có lần tố cáo họ đã độc quyền chiếm đoạt sự giải thích Kinh Thánh và đóng cửa không cho những kẻ muốn vào (Lc 11,52). Có thể so sánh ý nghĩa giáo huấn này với dụ ngôn hai người mù (Lc 6, 39; Mt 15, 14) và dụ ngôn về con chiên lạc (Lc 15, 3 - 7; Mt 18, 12 - 14).
+ "Thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển còn hơn": Thớt cối xay nặng như thế mà kéo dìm một tội nhân dưới nước thì không thể nào ngóc đầu lên được: ý nói đến sự xấu xa, ghê tởm, nặng nề của tội làm gương xấu.
6/ Nếu tay con... chân con... mắt con...":
+ Chúa muốn nói đến việc cần phải tránh các dịp tội, dù phải hy sinh đến mức độ nào đi nữa thì cũng phải tránh vì thà mất một phần thân thể mà được vào cõi sống còn hơn là đủ mà phải vào hỏa ngục.
+ Kiểu nói "Tay - chân - mắt" không có ý nói theo nghĩa đen, nhưng có ý nói theo nghĩa tượng trưng để diễn tả các dịp tội mà ta có thể tìm thấy trong chính bản thân mình hoặc trong những tương giao với bên ngoài, việc trừ khử chúng đòi hỏi thật là đắt giá.
+ "Được vào cõi sống còn hơn là đủ mà phải xuống hoả ngục": có ý diễn tả sự đối nghịch giữa thiên đàng và hỏa ngục, đồng thời muốn nhấn mạnh rằng hỏa ngục là nơi khổ hình dành cho các tội nhân tự tách lìa khỏi "cõi sống".
+ "Lửa và giòi bọ" là hai loại gia hình dành cho các thây ma. Ở đây được tượng trưng cho số phận kinh khủng dành cho những ai từ chối tiếng mời gọi hoán cải và những lời cảnh giác của Thiên Chúa (Mc 7, 17; Hê nóc 46,3; 90, 26-27; Kh 19,20; Mt 13, 42;18, 8).
III. ÁP DỤNG:
A/ Áp dụng theo Tin Mừng:
Giáo Hội muốn dùng bài Tin Mừng này để dậy chúng ta những bài học sống đạo:
+ Không được hẹp hòi, gắn tị, nhưng phải bác ái cách nghĩa lành cho hành động của tha nhân, dù tha nhân đó là ai.
+ Cần phải tích cực giúp đỡ các phần tử trong Giáo Hội, nhưng phải giúp với tinh thần siêu nhiên, vô vị lợi, vì Chúa...
+ Không được gây gương xấu, làm cản trở sự hoàn thiện của người khác đặc biệt cản trở những kẻ yếu đuối cần phải được nâng đỡ.
+ Phải tránh những dịp tội dù phải hy sinh đến đâu đi nữa, vì sự sống đời đời quý giá hơn sự sống đời này.
B/ Áp dụng thực hành:
1/ Nhìn vào Chúa Giêsu:
a) Xem việc người làm:
Chúa sửa sai Gioan: Chúa thấy Gioan có óc hẹp hòi ganh tị, Chúa không tỏ vẻ bực tức, nhưng người ôn tồn chỉ vẽ để giáo dục, để hướng dẫn, để sửa sai. Chúng ta noi gương Chúa, khi thấy nơi người khác có điều sai quấy thì cần bình tĩnh tìm cách giúp đỡ sửa sai hơn là bực tức, phê bình, chỉ trích.
b) Nghe lời Chúa nói:
+ "Đừng ngăn cấm y": Chúa cũng nói như vậy với ta khi ta phủ nhận giá trị hành vi của người khác chỉ vì họ không giống mình.
+ "Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước": Qua lời này, Chúa kêu gọi chúng ta:
- Cần phải lấy tinh thần siêu nhiên để giúp đỡ phục vụ các phần tử trong Giáo Hội.
- Là phần tử của Giáo Hội, cùng thuộc về Đức Kitô, thì càng xứng đáng để được giúp đỡ và trở nên công phúc cho người giúp đỡ mình.
+ "Những kẻ nào làm cớ vấp phạm": Chúa cảnh giác chúng ta không được làm gương xấu cho kẻ khác, đặc biệt những người mình có trách nhiệm liên đới: sống với ai thì giúp người đó hoàn thiện hơn chứ đừng nên cớ cho người đó ra xấu hơn.
+ "Nếu tay, chân, mắt nên dịp tội cho con": Chúa đòi hỏi ta phải biết hy sinh, sẵn sàng chịu thiệt, chịu mất sự sống đời này để bảo vệ sự sống đời sau.
- Chúa cảnh giác ta cần phải tránh xa các dịp tội với bất cứ giá nào vì thà mất công phải tránh còn hơn mất luôn sự sống.
2/ Nhìn vào Gioan:
+ Gioan thưa cùng Chúa Giêsu...: lời trình bày có tính cách thưa kiện của Gioan biểu lộ ông là người hẹp hòi, phe phái, xét đoán nông cạn theo hình thức bên ngoài... chúng ta cũng hẹp hòi như Gioan khi chúng ta so sánh phân bì, tị nạnh nhóm này nhóm kia.
Chúng ta cũng xét đoán nông cạn như Gioan khi chúng ta nhận xét người khác theo vẻ bên ngoài hoặc theo não trạng của mình mà không nhìn nhận giá trị của tha nhân.